• 11-08-2021

Mục đích của bài viết này để bạn biết nhà tuyển dụng cần kiến thức, kỹ năng gì ở bạn, nếu chưa có kiến thức đó thì hãy bổ sung để phát triển, bạn không nên trả lời một cách rập khuôn theo lý thuyết bởi vì nhà tuyển dụng nào cũng cần một người có sự trải nghiệm. 

  1. Em hãy giới thiệu về bản thân mình?

Gợi ý: Đây là câu hỏi mà 100% nhà tuyển dụng đều hỏi trong các cuộc phỏng vấn. Một phần giới thiệu tốt sẽ giúp bạn gây ấn tượng đầu tiên. Vì thế, bạn cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng và tập trước ở nhà. Bạn cần chuẩn bị 1 bản giới thiệubằng tiếng Việt và 1 bản tiếng Anh. Nội dung phải đầy đủ nhưng ngắn gọn, đưa ra được những điểm ấn tượng.

Câu trả lời mẫu (tùy từng trường hợp của mỗi bạn đã có kinh nghiệm và chưa có kinh nghiệm làm việc): Tên em là Nguyễn Văn A. Năm nay em 24 tuổi. Em đã tốt nghiệp Học viện Ngân hàng. Hiện tại em đang làm ở ngân hàng … với chức danh Giao dịch viên ngân hàng. Tại đây, em thực hiện các công việc đón tiếp, tư vấn cho khách hàng; thực hiện thao tác nghiệp vụ và phát triển mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Điểm mạnh của em là khả năng đàm phán thương lượng tốt. Bên cạnh đó, em có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Và sử dụng thành thạo tin học văn phòng. (Đưa thêm các thành tích của bản thân) Trong thời gian rảnh em thường đọc sách, chơi thể thao. Ngoài ra, em rất thích xem chương trình truyền hình thực tế về tài chính ngân hàng.

  1. Em hiểu gì về công việc em đang ứng tuyển?

Gợi ý: Đối với những ai lần đầu phỏng vấn thì đây là một câu hỏi khó. Do đó bạn nên tìm hiểu trước bản mô tả chức năng, nhiệm vụ của phòng ban hay vị trí ứng tuyển. Bạn có thể học hỏi về công việc của những người quen trong ngành. Hoặc nếu quan hệ rộng, bạn có thể nhờ người xin bản mô tả của nơi bạn ứng tuyển. Khi phỏng vấn, bạn chỉ cần nêu tóm tắt lại chức năng và nhiệm vụ của phòng ban đó.

Câu trả lời mẫu: Vâng, em cũng đã tìm hiểu về công việc của phòng quản lý rủi ro. Công việc chính của bộ phận này là: Xây dựng, cập nhật và phân tích các chính sách, tiêu chuẩn, công cụ đo lường và kỹ thuật quản lý rủi ro. Đảm bảo chính sách rủi ro được thực hiện đúng và hiệu quả trong các đơn vị của toàn ngân hàng. Làm việc với các bộ phận khác có liên quan nhằm hỗ trợ/tư vấn chiến lược quản trị và giảm thiểu rủi ro. Phối hợp với kiểm toán nội bộ để tiến hành lập kế hoạch và giám sát các rủi ro.

  1. Tại sao bạn lại lựa chọn ngân hàng của chúng tôi?

Gợi ý: Mục đích của câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng này là kiểm tra độ hiểu biết của bạn về ngân hàng ứng tuyển. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu về báo cáo thường niên của ngân hàng. Từ đó tính toán và phân tích các chỉ số và đưa ra một số thành tích của ngân hàng đó.

Câu trả lời mẫu: Trước hết là xét về khía cạnh tài chính. Theo sự tìm hiểu của tôi, ngân hàng mình được đánh giá khá mạnh thể hiện qua các số liệu như vốn chủ đầu tư là … ROE, ROA là … Tổng huy động là … Tổng dư nợ … Ngoài ra, ngân hàng còn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bằng cách thể hiện trách nhiệm xã hội. Qua báo cáo thường niên, tôi biết đến các hoạt động ý nghĩa như … (nêu các hoạt động xã hội nổi bật của ngân hàng đó) Thông qua các yếu tố trên, tôi đã quyết định ứng tuyển vào ngân hàng.

  1. Bạn có nộp hồ sơ vào ngân hàng khác không/Bạn đã nộp hồ sơ vào bao nhiêu ngân hàng?

Gợi ý: Câu hỏi này hẳn sẽ khiến nhiều ứng viên phân vân không biết nên trả lời thành thật hay nói dối. Lời khuyên cho bạn là hãy là chính mình dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Bạn không nên quanh co mà hãy trả lời thẳng thắn. Bên cạnh đó, bạn có thể liệt kê các vị trí liên quan đến vị trí đang ứng tuyển. Điều này sẽ thể hiện bạn là người có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Câu trả lời mẫu: Em có nộp CV vào các ngân hàng khác và ứng tuyển vị trí tương đương. Nhưng ngân hàng mình vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của em.

  1. Bạn đang làm việc ở ngân hàng chúng tôi nhưng một ngân hàng khác lại mời gọi bạn với mức lương cao hơn. Bạn sẽ xử lý thế nào?

Gợi ý: Câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng này sẽ khiến các ứng viên khó xử. Bạn phải trả lời khéo léo để không làm phật lòng nhà tuyển dụng. Câu trả lời của bạn phải thể hiện được bạn xem trọng ngân hàng đang ứng tuyển.

Câu trả lời mẫu: Đầu tiên, em cảm thấy rất vui vì bản thân được đánh giá cao và năng lực của mình được nhiều nơi biết đến. Tuy nhiên để lựa chọn công việc hay nơi làm việc, em sẽ lựa chọn dựa trên 3 yếu tố. Một là môi trường làm việc. Hai là chế độ lương và đãi ngộ. Ba là cơ hội thăng tiến trong công việc. Do đó, nếu ngân hàng kia chỉ đưa ra mức lương cao thì chưa chắc em chọn rời ngân hàng mình đang làm việc. Bạn cần cân nhắc và đưa ra câu trả lời phù hợp để nhà tuyển dụng không phật lòng

  1. Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?

Gợi ý: Kinh nghiệm là không nói xấu công ty cũ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế nói về các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là tiền lương.

Câu trả lời mẫu: Em rời công ty cũ vì cảm thấy môi trường làm việc chưa phù hợp với bản thân. Em muốn tìm môi trường mới để học hỏi và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.

  1. Điểm yếu của bạn là gì?

Gợi ý: Điểm mạnh, điểm yếu là câu hỏi phỏng vấn phổ biến. Câu trả lời tốt nhất là thẳng thắn nhận điểm yếu của mình. Tuy nhiên, bạn nên chọn lọc điểm yếu để nói. Không thể trả lời rằng em cẩu thả hoặc em hay quên… Bên cạnh đó, bạn nên thể hiện mình luôn cố gắng khắc phục để hoàn thiện bản thân.

Câu trả lời mẫu: Em là con người khá cầu toàn nên đôi khi chưa quyết đoán trong công việc. Em đang trong quá trình khắc phục điểm yếu này. Và em cũng cố gắng để luôn hoàn thành tốt công việc của mình.

  1. Trong quá trình làm việc tại ngân hàng, anh/chị đã gặp phải tình huống nào khó xử với khách hàng chưa? Cách giải quyết như thế nào?

Gợi ý: Mục đích của câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng này là kiểm tra lại năng lực của ứng viên. Đặc biệt là các kỹ năng giải quyết vấn đề và đàm phán. Nếu bạn đã gặp tình huống nào đó và có cách xử lý ổn thỏa thì cứ tự tin thuật lại một cách ngắn gọn. Nếu không bạn có thể đưa ra một tình huống và đề xuất cách giải quyết.

Câu trả lời mẫu: Em từng gặp trường hợp khách hàng đến ngân hàng nộp 200 triệu để gửi tiết kiệm. Nhưng sau khi lập bảng kê và kiểm đếm tiền, em phát hiện trong đó có 5 tờ mệnh giá 500.000 VNĐ là tiền giả. Lúc này, khách hàng cũng khá là lúng túng và hoang mang. Nên em đã giải thích cho khách hiểu quy định về vấn đề này. Bên cạnh đó em cũng lập biên bản tạm thu giữ 5 tờ tiền và gửi lại ngân hàng đưa đi giám định. Khi có kết quả ngân hàng đã giải quyết riêng với khách hàng.

  1. Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?

Gợi ý: Khi gặp những câu hỏi mở thế này, bạn nên trả lời sao cho thú vị và có nhiều thông tin. Bạn phải chứng minh được mình hiểu về vị trí ứng tuyển, có kỹ năng, kiến thức đáp ứng được yêu cầu công việc.

Câu trả lời mẫu: Tôi đã làm việc ở vị trí nhân viên vận hành được 2 năm. Bên cạnh kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính ngân hàng. Tôi còn có khả năng hiểu, phân tích vấn đề, khả năng nắm bắt tổng quan các vị trí trong tổ chức. Ngoài ra, tôi có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và sử dụng các phần mềm tin học văn phòng. Với những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, tôi tự tin rằng mình phù hợp với vị trí này.

  1. Khách hàng đang rất bức xúc vì lỗi giao dịch viên nhầm lẫn gây ra. Bạn không hề biết lỗi của giao dịch viên này. Bạn giải quyết tình huống này như thế nào?

Gợi ý: Đây thuộc nhóm câu hỏi tình huống về có thể nhà tuyển dụng sẽ đặt ra cho bạn. Mục đích cũng là kiểm tra trình độ và kỹ năng xử lý tình huống của bạn. Trước hết, bạn nên thể hiện bạn là người lắng nghe khách hàng. Sau đó, đưa ra cách giải quyết hợp lý cho khách hàng.

Câu trả lời mẫu: Trước hết em sẽ lắng nghe những phản ánh của khách hàng. Sau khi khách hàng nguôi giận thì xin lỗi vì sự cố này. Bên cạnh đó, em sẽ hỏi thêm thông tin liên quan như “Bác tới thực hiện giao dịch vào ngày bao nhiêu?”, “Bác có thể cho cháu biết hôm đó nhân viên nào đã tiếp bác không ạ?”. Và hỏi nội dung cụ thể của sự nhầm lẫn. Sau đó, xin khách hàng thời gian để liên hệ với nhân viên để làm rõ thông tin. Nếu nhân viên đúng thì em sẽ giải thích cho khách hàng hiểu chính sách của ngân hàng. Nếu nhân viên sai thì em sẽ xin lỗi và khắc phục nhầm lẫn.

  1. Một khách hàng VIP đột nhiên rút tiền và chuyển sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn. Bạn sẽ làm gì để giữ chân khách hàng này?

Gợi ý: Trong bộ câu hỏi vấn tài chính ngân hàng, đây là câu hỏi khó, đặc biệt với những ai chưa có kinh nghiệm. Câu trả lời phụ thuộc vào cách xử lý, sự khéo léo và kinh nghiệm của ứng viên.

Câu trả lời mẫu: Em sẽ mời khách hàng này vào phòng VIP để trao đổi. Sau đó đánh vào những khó khăn, bất lợi khi họ rút tiền và chuyển sang nơi khác. Ví dụ như thủ tục rườm rà, mất thời gian. Hay số tiền chênh lệch giữa 2 ngân hàng chẳng là mấy, đồng thời đưa ra số tiền cụ thể. Giải thích cho khách hàng hiểu, chuyển sang ngân hàng khác có thể họ không còn là VIP. Do đó, họ có thể mất đi nhiều phúc lợi, không được tặng quà, tham gia chương trình chăm sóc định kỳ… Trường hợp, VIP khăng khăng rút thì em vẫn sẽ gọi điện, gửi email thăm hỏi và giới thiệu tiện ích của ngân hàng mình để câu khách trở lại.

  1. Câu đầu tiên mà bạn nói khi có khách hàng vào quầy giao dịch là gì?

Gợi ý: Đây chỉ là câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng thông thường. Tuy nhiên vẫn có nhiều người chủ quan mà bỏ qua. Với câu hỏi này, bạn chỉ cần đưa ra câu nói mà giao dịch viên thường nói thôi.

Câu trả lời mẫu: Thưa anh/chị, khi khách hàng vào quầy giao dịch, giao dịch viên sẽ luôn tươi cười và nói: “Em chào anh/chị. Em có thể giúp gì cho anh/chị ạ?”

  1. Quản lý rủi ro tín dụng là gì? Nhận xét mô hình quản lý rủi ro tín dụng tập trung?

Gợi ý: Đây là câu hỏi thuộc dạng kiểm tra kiến thức trong bộ câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng. Để trả lời câu hỏi này bạn cần nắm được những kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ trong công việc. Hơn hết cần có sự tìm hiểu trước về các mô hình quản lý rủi ro tín dụng.

Câu trả lời mẫu: Quản lý rủi ro tín dụng là quá trình nhận dạng, phân tích rủi ro, đo lường mức độ rủi ro. Từ đó lựa chọn triển khai các biện pháp và quản lý các hoạt động tín dụng. Nhằm hạn chế và loại trừ rủi ro trong quá trình cấp tín dụng. Mô hình quản lý rủi ro tập trung có sự tách biệt giữa 3 yếu tố quản lý rủi ro, kinh doanh  và tác nghiệp. Điểm mạnh của mô hình này là: – Quản lý rủi ro một cách hệ thống trên quy mô toàn ngân hàng. Đảm bảo tính cạnh tranh lâu dài. – Thiết lập và duy trì môi trường quản lý rủi ro đồng bộ, phù hợp với quy trình quản lý. Từ đó nâng cao đo lường giám sát rủi ro. – Xây dựng chính sách quản lý rủi ro thống nhất cho toàn hệ thống. Tuy nhiên mô hình này tồn tại một số điểm yếu như: – Đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức và thời gian – Đội ngũ cán bộ không chỉ cần kiến thức cần thiết mà phải biết áp dụng lý thuyết với thực tiễn >> Tuyển dụng Chuyên viên Quản lý rủi ro

  1. Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?

 Gợi ý: Đây là một câu hỏi đánh giá trong các câu hỏi phỏng vấn tài chính ngân hàng. Đừng đưa ra những câu hỏi không liên quan hay chỉ lắc đầu, hoặc im lặng. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn muốn tìm hiểu sâu sắc về công ty.

Câu trả lời mẫu: Em được biết công ty mình luôn được đánh giá cao về hệ thống quản lý. Anh/chị có thể cho em biết làm thế nào mà công ty, đặc biệt là bộ phận nhân sự đạt được những thành tựu đó?

  1. Bạn kỳ vọng gì vào công việc này?

Gợi ý: Buổi phỏng vấn về bản chất là một cuộc hẹn gặp để ứng viên và nhà tuyển dụng tìm hiểu về nhau. Nhà tuyển dụng mong muốn biết được kỳ vọng của bạn vào công việc để xem xét xem phía công ty họ có đáp ứng được không, liệu rằng ứng viên và công ty có phải sự lựa chọn phù hợp của nhau. Vì thế, hãy thẳng thắn bày tỏ kỳ vọng, mong muốn của mình nhưng tránh cách nói “thô”.

Câu trả lời mẫu: nếu bạn mong muốn vào công ty họ vì mức lương cao, bạn có thể nói như sau; Khi ứng tuyển vào công ty, tôi mong muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp với mức đãi ngộ xứng đáng.”

  1.  Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc trở thành một doanh nhân chưa?

Gợi ý:

Trong hầu hết các trường hợp, câu hỏi này có nghĩa là liệu bạn có ý định bỏ việc và tự mở công ty riêng không. Đừng nói về mong muốn trở thành sếp của mình. Họ sẽ lo sợ rằng bạn vẫn hy vọng tự lập nghiệp và sẽ bỏ trốn.

Hãy nói bạn từng nghĩ đến việc kinh doanh hoặc từng làm việc độc lập, rằng bạn đã trải nghiệm hoặc suy nghĩ về nó, nhưng nó không phù hợp với bạn.

Bạn cũng có thể làm dịu đi nỗi sợ hãi của họ bằng cách giải thích chính xác tại sao công ty của họ lại hấp dẫn bạn.

  1.  Nếu được nhận vào bất kỳ công ty nào, đâu sẽ là sự lựa chọn của bạn?

Gợi ý:

Tập trung vào công việc hiện tại, đừng để bị cuốn vào cuộc thảo luận và vô tình để lộ sự quan tâm đến một công ty nổi tiếng nào đó. Nhà tuyển dụng muốn biết công ty họ có phải là lựa chọn hàng đầu của bạn không. Nên đáp lại: "Trên thực tế, tôi đã nghiên cứu rất nhiều công ty, và công ty này có vẻ phù hợp với tôi. Thật thú vị vì công ty đang làm trong ngành…, và tôi rất muốn đóng góp."

  1.  Tại sao bạn lại bị sa thải?

Gợi ý:

Họ muốn thấy sự tích cực, sẵn sàng trở lại làm việc với một thái độ tuyệt vời và sự tự tin của bạn chứ không phải sự chống chế hay giận dữ. Bạn có thể thấy cay cú hoặc tức giận vì bị sa thải, và câu hỏi này có thể khiến bạn nói xấu về sếp cũ. Nhưng thay vào đó, hãy giữ bình tĩnh và nói về quyết định nghề nghiệp sau khi bị sa thải.

  1.  Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn kiếm được 5 triệu đô?

Gợi ý:

Người phỏng vấn muốn biết liệu bạn vẫn sẽ làm việc ngay cả khi đã có tiền. Họ muốn nghe bạn sẽ tiếp tục làm việc vì bạn đam mê - và bạn sẽ có những quyết định tài chinh thông minh. Phản hồi của bạn cho câu hỏi này cho thấy động cơ và đạo đức làm việc của bạn.

  1.  Bạn đã bao giờ bị yêu cầu làm việc không liêm chính bởi người giám sát hoặc

đồng nghiệp chưa? Hãy kể cho chúng tôi nghe về nó.

Gợi ý:

Nhà tuyên dụng đang đánh giá đạo đức của bạn bằng cách hỏi bạn một tình huống tế nhị. Bạn có xử lí khôn khéo không? Có phản ứng dữ dội không? Quá trình suy nghĩ của bạn như thế nào? Họ muốn biết bạn giải quyết những vấn đề nhạy cảm ra sao và cũng cảnh giác với những

người nói xấu sếp cũ. Hãy trả lời rõ ràng, súc tích, và chuyên nghiệp, mà không tiết lộ bất kỳ hành động nội bộ nào của người sếp cũ.

  1.  Hãy cho chúng tôi biết lý do khiến ai đó không thích làm việc với bạn?

Gợi ý:

Nếu bạn nói: "Tôi không thể nghĩ ra lý do nào để mọi người không thích làm việc với mình," nó sẽ có ý xúc phạm người phỏng vấn khi bạn giảm tầm quan trọng của câu hỏi này. Hãy nói rằng: "Tôi đã may mắn có được mối quan hệ tốt ở tất cả các công việc của mình". Hay: "Lần duy nhất mà tôi không được lòng mọi người cho lắm – dù chỉ tạm thời thôi - là khi tôi phải thử thách nhân viên để họ làm việc tốt hơn. Đôi khi tôi cảm thấy chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn vì lợi ích lớn hơn của công ty".

  1.  Bạn sắp xếp thời gian để tới buổi phỏng vấn này thế nào? Sếp của bạn sẽ nghĩ

bạn đang ở đâu?

Gợi ý:

Họ muốn tìm hiểu các ưu tiên của bạn: công việc hiện tại trước, buổi phỏng vấn sau; bạn có coi trọng công việc tại công ty nếu bạn làm cho công ty họ trong tương lai. Họ cũng muốn biết bạn xử lý những tình huống khó xử như thế nào khi bạn không thể thành thật với sếp. Câu trả lời hay nhất là: bạn đến buổi phỏng vấn trong giờ nghỉ giải lao; giải thích rằng bạn luôn đặt công việc của mình lên đầu, và đến phỏng vấn trước hoặc sau giờ làm việc, vào giờ ăn trưa, vào cuối tuần, hay trong thời gian nghỉ cá nhân.

  1.  Đã có khi nào bạn không đồng ý với chính sách của công ty chưa?

Gợi ý:

Thật khó tin khi bạn nói "tôi chưa bao giờ không đồng ý với chính sách của công ty." Trong khi các công ty muốn các nhà lãnh đạo và nhân viên làm theo các quy tắc, họ cũng muốn sẽ có người phản ánh những chính sách lạc hậu, can đảm chống lại và đề xuất thay đổi. Hãy nói lên ý tưởng của bạn về việc thay đổi chính sách là có lợi cho công ty.

  1.  Hãy kể về một số thất bại của bạn

Gợi ý:

Cuộc sống không ai hoàn hảo và nhà tuyển dụng cũng biết đươc điều đó và họ không mong là bạn sẽ hoàn hảo về mọi mặt. Nhưng khi hỏi câu này thì nhà tuyển dụng muốn biết.

• Bạn có phải là người biết rút ra bài học sau thất bại hay không.

• Bạn có đủ nhận thức về thất bại và điểm yếu của bản thân mình hay không

• Bạn có phải là người dám chấp nhận rủi ro ?

• Cuối cùng là họ muốn biết quan điểm của bạn về thành công ra sao.

Tuy nhiên đa phần ứng viên khi được hỏi câu hỏi này đều cảm thấy sợ hãi và né tranh câu trả lời. Thay vì né tránh bạn hoàn toàn có thể làm nổi bật mình và ghi điểm với nhà tuyển dụng bằng cách đưa ra câu trả lời khôn ngoan.

  1.  Bạn xử lý thế nào khi công việc phải thay đổi vào phút chót

Gợi ý:

Đây là một câu hỏi mẹo nhằm đánh giá xem ứng viên có linh hoạt và có khả năng ứng phó nhanh chóng hay không. Vì vậy, thay vì trả lời bạn hãy khéo léo đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng.

Ví dụ: “Tại sao phải thay đổi và lý do thay đổi vào phút chót có thực sự cần thiết hay không”

  1.  Điều gì khiến bạn hăng say trong công việc?

Gợi ý:

Đối với câu hỏi này bạn nên trả lời thật lòng nhất có thể, bởi khi nhà tuyển dụng hỏi bạn như thế này thì tin chắc rằng bạn đã ghi điểm ở những câu trả lời trước đó và họ muốn lắng nghe bạn nhiều hơn. Tuy nhiên, khi trả lời hãy nói về thành quả đạt được trong công việc và niềm vui của bạn khi vượt qua một thử thách. Điều này sẽ giúp bạn gây thêm ấn tượng với nhà tuyển dụng.

  1.  Giới hạn của Anh/Chị?

Gợi ý:

Một câu trả lời quá mạnh mẽ có thể gây phản tác dụng và trở thành yếu điểm. Bạn có thể nói như sau: "Tôi luôn mong muốn hoàn thành tất cả các công việc, vì thế thỉnh thoảng trở nên quá hăng hái và đòi hỏi khắt khe đối với công ty. Tuy nhiên, tôi đang cố gắng để khắc phục yếu điểm này." hay đề cập đến một khoá huấn luyện bổ sung nghề nghiệp nào đó. Đừng bao giờ tỏ ra là người hoàn hảo, tuy nhiên cũng đừng nên đề cập một cách quá cụ thể.

  1.  Điều gì trong công việc là quan trọng nhất với Anh/Chị?

Gợi ý:

Bạn nên liên hệ với những yêu cầu của vị trí để có được nội dung trả lời phù hợp. Trong trường hợp không nắm vững về thông tin này, bạn có thể trả lời chung chung như: "Tôi thích có được những thách thức trong công việc và làm việc tập thể".

  1.  Anh/chị hãy mô tả về tính cách của mình?

Gợi ý:

Chỉ đề cập đến 2 hay 3 tích cách tích cực nhất. Hãy nhớ là nhà tuyển dụng đang cố gắng quyết định "sự phù hợp" của bạn với công ty. Khả năng xác định chính xác các giá trị của họ sẽ giúp bạn có được câu trả lời phù hợp.

  1.  Phong cách quản lý của Anh/Chị?

Gợi ý:

Bạn có thể đề cập đến các phương thức thiết lập mục tiêu và lôi cuốn mọi người cùng thực hiện. Hãy mô tả các kỹ năng mềm bạn thường sử dụng để khơi dậy động lực và sức mạnh làm việc của đội ngũ nhân viên hay sự ứng biến linh hoạt khi tình huống thay đổi. Bạn nên dựa vào phong cách quản lý của công ty để có câu trả lời phù hợp. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ, hãy trả lời mềm dẻo và tuỳ theo tình huống.

  1. Mô tả một tình huống khi Anh/Chị gặp khó khăn trong vấn đề quản lý và cách

giải quyết.

Gợi ý:

Hãy liên hệ đến 1 trong số các thành công của bạn khi giải quyết dạng tình huống này. Bạn nên dựa vào văn hoá, nhu cầu của công ty, làm nổi bật các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, xây dựng tinh thần đồng đội hay quản lý nhân viên. Là một nhà quản lý, Anh/Chị tìm kiếm điều gì khi tuyển dụng nhân viên? "Các kỹ năng mềm, tinh thần sáng tạo và sự thích ứng - dù cho chuyên môn có phù hợp với công ty hay không". Câu trả lời này sẽ giúp người phỏng vấn quyết định điều bạn có thể làm, sẽ làm và sự phù hợp của bạn đối với tổ chức của họ.

  1.  Là một nhà quản lý, Anh/Chị đã từng phải sa thải một nhân viên nào đó chưa?

Nếu có, vui lòng kể lại và trình bày hướng giải quyết?

Gợi ý:

Nếu có, bạn có thể trả lời như sau "Tôi quả thực có kinh nghiệm trong vấn đề này và đã giải quyết theo hướng có lợi cho cả người lao động và công ty. Tôi tuân thủ các chinh sách kỷ luật của công ty trước khi đưa ra quyết định sa thải". Đừng đi vào chi tiết nếu người phỏng vấn xin việc không hỏi thêm. Ngược lại, nếu bạn chưa từng sa thải nhân viên nào, hãy trình bày là bạn sẽ sử dụng các nguyên tắc kỷ luật trước khi quyết định sa thải nhằm bảo vệ quyền lợi cho công ty.

  1.  Theo Anh/Chị nhiệm vụ khó khăn nhất của nhà quản lý là gì?

Gợi ý:

Bạn có thể trả lời bằng cách nêu lên các khó khăn gặp phải khi thực hiện công việc qua người khác, đảm bảo tuân thủ các kế hoạch, hoàn thành đúng thời hạn và quản lý nguồn ngân sách. Hãy sử dụng đại từ "tôi" và nhấn mạnh các yếu tố quan trọng (dựa trên nhu cầu và văn hoá của công ty).

  1.  Mô tả một số tình huống khi Anh/Chị phải chịu đựng áp lực công việc và hoan thành đúng thời hạn?

Gợi ý:

Hãy liên hệ đến các thành công của bạn. Trình bày 1 hay 2 tình huống chứng tỏ khả năng làm việc dưới áp lực cao và hoàn thành đúng thời hạn của bạn.

  1.  Hãy trình bày về một tình huống trong công việc khiến Anh/Chị tức tối?

Gợi ý:

Bạn có thể trình bày về kinh nghiệm này, kèm theo các kỹ năng đã được sử dụng để quản lý và cải thiện tình hình. Tránh mô tả các tình huống công việc giống như công ty đang phỏng vấn nếu bạn không muốn nhấn mạnh khả năng giữ bình tĩnh trước áp lực của chính mình.

  1.  Hãy nói cho tôi biết về một mục tiêu trong công việc vừa qua mà Anh/Chị đã thất bại và nguyên nhân tại sao?

Gợi ý:

Câu hỏi này giả định rằng bạn đã từng thất bại trong một số mục tiêu. Tuy nhiên, nếu chưa bao giờ gặp thất bại, bạn có thể thành thật nói ra điều này. Ngược lại, nếu đã từng có những mục tiêu mà bạn không thể đạt được vì một số lý do khách quan nào đó, hãy mô tả lại và đừng quên giải thích là những trở ngại này vượt quá tầm kiểm soát của bạn. Thậm chí tốt hơn bạn nên thảo luận về một mục tiêu mà bạn đã "suy nghĩ lại" khi nhận ra được tính bất khả thi của nó.

  1.  Hãy mô tả một số tình huống khi Anh/Chị bị phê bình trong công việc?

Gợi ý:

Chỉ mô tả một tình huống duy nhất và nói rằng bạn đã tiến hành khắc phục hay lập kế hoạch khắc phụ vấn đề này. Đừng đi vào chi tiết. Nếu người phỏng vấn muốn biết thêm, hãy để họ tự đưa ra câu hỏi.

  1.  Anh/Chị nhìn nhận gì về xu hướng tương lai trong ngành kinh doanh này?

Gợi ý:

Hãy lựa chọn 2 hay 3 xu hướng phát triển quan trọng để thảo luận. Đấy chính là cơ hội để bạn thể hiện những suy nghĩ của mình về tương lai, nền kinh tế, thị trường và các tiến bộ công nghệ của ngành nghề đang theo đuổi.

  1. Trách nhiệm về tài chính của Anh/Chị đối với công ty ra sao?

Gợi ý:

Bạn có thể đề cập đến các trách nhiệm quản lý ngân sách, tính toán số lượng nhân viên, kích cỡ dự án và chiến dịch bán hàng mà bạn trực tiếp chỉ huy.

  1.  Anh/Chị phải quản lý bao nhiêu nhân viên trong thời gian gần đây?

Gợi ý:

Hãy trả lời thật cụ thể và tự tin khi liên hệ đến những cá nhân chịu sự ảnh hưởng của bạn,ví dụ như: đó là do áp lực công việc hay phương thức quản lý của tổ chức.

Đăng ký xét tuyển